Di sản kiến trúc Đường Lâm

Lăng vua Ngô Quyền tại thôn Cam Lâm xã Đường LâmHậu cung thờ Phùng Hưng (nơi đặt tượng của ông) tại đền thờ ở thôn Cam Lâm xã Đường LâmTập tin:Chuamia.jpgChùa Mía tại thôn Đông Sàng xã Đường LâmCổng làng Mông Phụ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương . Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh.

Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) - là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thu lợn thờ, thi thờ,...

Về nhà cổ, ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Cò nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850,...). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.

Trong số 8 di tích lịch sử - văn hóa ở Đường Lâm (có đình Mông Phụ), chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào loại đặc biệt. Chùa có 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất (làm từ đất sét, thân và rễ cây si).

Văn miếu Sơn Tây

Văn miếu Sơn Tây hướng ra sông Tích Giang do Charles Edouard Hocquard chụp năm 1884.Cổng tam quan Văn miếu môn của Văn miếu Sơn Tây khoảng đầu thế kỷ 20

Văn miếu Sơn Tây là văn miếu cấp vùng của cả vùng xứ Đoài, trước thời nhà Nguyễn cho tới năm 1831, là một trong 4 văn miếu của tứ trấn Thăng Long. Năm 1831 tỉnh Sơn Tây nhà Nguyễn được thành lập, nó trở thành Văn miếu của tỉnh Sơn Tây nhà Nguyễn, thời này nó được đặt ở làng Cam Giá Thịnh (tức thôn Cam Thịnh Đường Lâm ngày nay). Đến tháng 7 âm lịch năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), Văn miếu tỉnh Sơn Tây được dời từ Cam Thịnh đến làng (tức xã thời Nguyễn) Mông Phụ thuộc tổng Cam Giá Thịnh[6], vị trí này nay trùng với vị trí Văn miếu phục dựng năm 2012 thôn Văn miếu xã Đường Lâm. Thời gian này Nguyễn Đăng Giai làm tổng đốc Sơn Hưng Tuyên cho di dời. Năm Thành Thái thứ 3 (1891), tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Cao Xuân Dục cho trùng tu lại tại vị trí năm 1847. Tới thời năm 1947, do chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp của Việt Minh và do chiến tranh tàn phá những năm 1947-1954 di tích này không còn tồn tại. Thời Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước năm 2012, trên nền di tích chính quyền cho xây dựng một cơ sở cao 7 tầng để chế biến thức ăn và chăn nuôi gia xúc gia cầm[7] (bảo tồn giống gà Mía đặc sản địa phương). Năm 2012, chính quyền thành phố Hà Nội cho di dời cơ sở chăn nuôi này đi chỗ khác để phục dựng lại Văn miếu Sơn Tây.